Những điều bạn cần biết về ung thư cổ tử cung

Loading

Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến hàng thứ 3 sau ung thư vú và ung thư đại tràng, là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho phụ nữ. Ung thư cổ tử cung có xu hướng xảy ra ở tuổi trung niên, hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung được tìm thấy ở phụ nữ trên 50 tuổi.  Bài viết này Dược Bắc Ninh sẽ giới thiệu cho bạn ung thư cổ tử cung là gì? Nguyên nhân do đâu? Triệu chứng ung thư cổ tử cung và cách điều trị.

I. Ung thư cổ tử cung là gì

Cổ tử cung (CTC) là phần kết nối tử cung với âm đạo. Phần gắn CTC vào thân tử cung được gọi là lỗ trong CTC. Phần tiếp nối với âm đạo là lỗ ngoài CTC. Hai loại tế bào chính của cổ tử cung gồm tế bào vảy và tế bào tuyến. Hai loại tế bào gặp nhau tại một nơi gọi là vùng chuyển tiếp. Vị trí chính xác của các khu vực thay đổi theo độ tuổi và số lần sinh con.

Ung thư cổ tử cung là u ác tính nguyên phát ở cổ tử cung, có thể xuất phát từ các tế bào biểu mô vảy, biểu mô tuyến hoặc các tế bào của mô đệm, nhưng về mặt mô bệnh học 90 – 95% ung thư cổ tử cung xâm lấn là là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ung thư tuyến cổ tử cung phát triển từ các tế bào tuyến sản xuất chất nhầy của lỗ ngoài cổ tử cung chiếm khoảng 5%. Loại ung thư cổ tử cung ít phổ biến hơn là ung thư hỗn hợp.

II. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

1. Nhiễm vi rút HPV ở người

Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, là nguyên nhân gây ra hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung, là do vi rút gây u nhú ở người (HPV- Human Papillomas Virus) thường được gọi là mụn cóc. HPV là một nhóm hơn 150 loại virus, song chỉ có 14 chủng được xem là nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung. Trong số đó, HPV 16 và 18 là hai chủng nguy cơ cao nhất, gây 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Phụ nữ bị nhiễm chủng HPV 16, HPV 18 có khả năng phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung cao hơn gấp 35 lần so với người không nhiễm HPV.

Virus HPV rất dễ lây lây lan từ người này sang người khác trong quá trình tiếp xúc da với da từ các tế bào trên bề mặt da, trên bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng và cổ họng, nhưng không có trong máu hoặc cơ quan nội tạng như tim hoặc phổi. Con đường lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục. Chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận sinh dục đã có thể lây, bao gồm tiếp xúc ở âm đạo, hậu môn,.. và thậm chí quan hệ tình dục bằng miệng. Tất cả phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có thể nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao gây ung thư. Nguy cơ này bắt đầu từ lần quan hệ tình dục đầu tiên và kéo dài suốt cuộc đời. Ước tính khoảng 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong suốt cuộc đời họ.

2. Quan hệ tình dục và tiền sử sản phụ khoa

Phụ nữ quan hệ tình dục sớm và có tiền sử nạo phá thai nhiều lần, hoặc có tiền sử viêm loét cổ tử cung cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

3. Hút thuốc

Phụ nữ hút thuốc nguy cơ ung thư cổ tử cung cao gấp khoảng hai lần người không hút thuốc.

4. Suy giảm miễn dịch

Nhiễm HIV/AIDS gây tổn thương hệ thống miễn dịch, làm phụ nữ có nguy cơ cao lây nhiễm HPV. Phụ nữ mang thai có thể có hệ thống miễn dịch yếu, dễ nhiễm HPV và ung thư CTC. Đặc biệt phụ nữ trẻ dưới 17 tuổi mang thai lần đầu, đủ tháng có nguy cơ sau này bị ung thư cổ tử cung cao hơn 2 lần so với những phụ nữ mang thai lần đầu từ 25 tuổi trở lên.

5. Nhiễm Chlamydia

Chlamydia là một loại vi khuẩn tương đối phổ biến có thể lây lan qua tiếp xúc tình dục. Nhiễm Chlamydia có thể gây ra viêm vùng chậu, dẫn đến vô sinh và tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.

6. Thừa cân

Phụ nữ thừa cân, đặc biệt phụ nữ sau 50 tuổi, thừa hocmon Estrogen (Béo phì, cao huyết áp, tiểu đường ..) hoặc đang điều trị liệu pháp hocmon Estrogen thay thế đơn thuần có nhiều khả năng phát triển ung thư tuyến cổ tử cung.

7. Sử dụng lâu dài thuốc tránh thai

Trong một nghiên cứu, nguy cơ ung thư cổ tử cung đã tăng gấp đôi ở những phụ nữ uống thuốc ngừa thai dài hơn 5 năm, nhưng nguy cơ trở lại bình thường 10 năm sau khi họ đã ngừng thuốc. Ngược lại một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những phụ nữ đã từng được sử dụng dụng cụ tử cung (IUD) có nguy cơ ung thư cổ tử cung thấp.

8. Gia đình có tiền sử ung thư cổ tử cung

Nếu có mẹ hoặc chị em gái bị ung thư cổ tử cung, nguy cơ phát triển căn bệnh này cao hơn 2-3 lần so với khi không có ai trong gia đình mắc bệnh.

II. Triệu chứng ung thư tử cung

Các triệu chứng lâm sàng thường gắn liền với mức độ tiến triển của bệnh.

1. Giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn vi xâm nhập)

Ung thư cổ tử cung giai đoạn này chưa có tổn thương về hình ảnh đại thể và không có triệu chứng lâm sàng, thăm khám CTC bình thường.

2. Giai đoạn ung thư CTC xâm nhập

Khi triệu chứng xuất hiện, thông thường là lúc ung thư đã phát triển và ở vào giai đoạn khó điều trị.

2.1 Triệu chứng cơ năng

– Ra máu bất thường không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt: ra máu sau giao hợp hay ra máu tự nhiên, ra máu giữa kỳ kinh, hoặc sau thụt rửa âm đạo, ra máu sau mãn kinh. Nếu ra máu kéo dài, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, hay các triệu chứng liên quan thiếu máu.

– Tiết dịch âm đạo, dịch lỏng, trong, lẫn máu hoặc nhày mủ, có mùi hôi. Các biểu hiện không đặc hiệu có thể nhầm viêm âm đạo hay cổ tử cung.

– Ở giai đoạn rất muộn: đau, chèn ép niệu quản gây ứ nước bể thận, suy thận.

Các dấu hiệu chứng tỏ khối u lan rộng:

– Triệu chứng chèn ép: đau hông, thắt lưng, đau vùng chậu do di căn xương, phù chi dưới do di căn bạch mạch, tĩnh mạch.

– Xâm lấn bàng quang: đái máu hay mất tự chủ do rò bàng quang- âm đạo.

– Chèn ép trực tràng từ bên ngoài do khối u quá lớn có thể gây táo bón.

– Xâm lấn trực tràng: đi ngoài ra máu.

2.2 Triệu chứng thực thể

Thăm khám cổ tử cung bằng mỏ vịt: sẽ thấy tổn thương dạng chồi, sùi, loét, polyp hoặc thâm nhiễm, rất dễ chảy máu khi chạm vào… Giai đoạn muộn CTC biến dạng, có loét sâu hoặc CTC mất hẳn hình dạng.

Thăm khám âm đạo – trực tràng với đánh giá kích thước u và tình trạng xâm lấn âm đạo, khu vực lân cận giúp chẩn đoán giai đoạn ung thư cổ tử cung.

Giai đoạn muộn này cũng có thể khám phát hiện hạch bẹn, hạch thượng đòn và hạch di căn xa.

III. Xét nghiệm chẩn đoán ung thư cổ tử cung

1. Soi cổ tử cung

Soi CTC giúp phóng đại CTC để quan sát tổn thương, có thể thấy các dấu hiệu gợi ý:

– Hình ảnh CTC bất thường sau khi bôi dung dịch acid accetic 5% và Lugol: vết trắng ẩn, vết trắng, chấm đáy, lát đá, vùng biểu mô không bắt màu lugol…

– Hình ảnh mạch máu không điển hình có thể là dấu hiệu đầu tiên của xâm lấn: mạch máu bị phá vỡ dạng khảm, mạch máu dài bất thường, tăng sinh mạch máu bất thường…

– Giai đoạn ung thư CTC xâm lấn: soi CTC thấy vùng loét, sùi, chảy máu… Mọi tổn thương nghi ngờ nhìn thấy được phải tiến hành sinh thiết.

2. Tế bào học cổ tử cung

Tế bào học: Tế bào học CTC là phương pháp chính trong sàng lọc ung thư CTC cung nên được thực hiện với mọi phụ nữ có nghi ngờ ung thư cổ tử cung. Phương pháp này có giá trị định hướng chẩn đoán. Gồm các loại kỹ thuật: Test PAP (papanicolauo) thông thường và kỹ thuật Thin Prep và phương pháp tế bào học chất lỏng thế hệ 2 (Liquiprep) có ưu điểm là hình ảnh tế bào đẹp hơn, độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn.

Xét nghiệm tế bào học kết luận: ung thư biểu mô tử cung tế bào vảy xâm nhập (> 90%) hay ung thư biểu mô tuyến xâm nhập (5-10% và đang có xu hướng gia tăng).

3. Sinh thiết cổ tử cung

Sau khi soi CTC và nhìn thấy tổn thương nghi ngờ hoặc kết quả tế bào không bình thường, nên tiến hành sinh thiết. Sinh thiết nên được lấy ở 2 vị trí: rìa ngoài tổn thương và một mảnh ở chính giữa tổn thương. Nếu nghi ngờ tổn thương trong ống CTC thì dùng thìa nạo sinh thiết. Nếu tổn thương nằm hoàn toàn trong CTC thì khoét chóp CTC. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư CTC là kết quả mô bệnh học:

Giai đoạn tiền lâm sàng (vi xâm nhập):

–  Ung thư biểu mô tế bào vảy xâm lấn: tế bào ung thư xâm nhập xuống dưới lớp đệm theo chiều sâu 5mm và theo chiều rộng 7mm.

–  Ung thư biểu mô tế bào tuyến: hình ảnh bất thường hay ác tính của tế bào ống CTC.

Giai đoạn ung thư CTC xâm nhập: sinh thiết tại vị trí tổn thương dạng sùi, loét, hoặc u nhú. Các tế bào mang đặc điểm của tế bào ung thư, phá vỡ màng đáy, xâm lấn mô đệm, mô đệm dễ mủn nát, chảy máu, hệ mạch máu tăng sinh đa dạng nhiều hình thái khác nhau.

4. Xét nghiệm máu

Các chất chỉ điểm khối u: SCC-Ag (Squamous Cell Carcinoma Antigen) kháng nguyên polypeptid mô (TPA), CEA, CA-125, và Cyfra 21-2 để tiên lượng bệnh, đánh gía kết quả điều trị, theo dõi tái phát, di căn sau điều trị.

5. Chẩn đoán hình ảnh

Để đánh giá đầy đủ chính xác mức độ lan tràn của ung thư CTC có thể chỉ định một số xét nghiệm sau: Xquang, CT-scan, chụp MRI, PET.

IV. Điều trị ung thư cổ tử cung

Tùy thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư CTC, có thể lựa chọn các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung như: Phẫu thuật, Xạ trị, Hóa trị.

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật lạnh, phẫu thuật laser

Là các phương pháp phá hủy tổ chức tổn thương bằng dao kim loại làm lạnh bằng nitơ lỏng, hay dùng đầu đốt laser CO2. Áp dụng điều trị ung thư biểu mô CTC (giai đoạn 0), không được dùng điều trị ung thư xâm lấn.

Khoét chóp bằng dao lạnh (Conization)

Khoét chóp CTC là kỹ thuật vừa để chẩn đoán vừa để điều trị, sử dụng một con dao phẫu thuật hoặc laser, hoặc một dây mỏng làm nóng bằng điện để lấy ra từ cổ tử cung một mảnh mô có hình chóp nón. Kỹ thuật này được chỉ định để chẩn đoán xác định ung thư cũng như là điều trị ở giai đoạn IA1 khi cần bảo tồn chức năng sinh con.

Cắt cụt cổ tử cung (trachelectomy)

Sau phẫu thuật cắt cụt CTC (trachelectomy), một số phụ nữ có thể mang thai và sinh con bằng cách mổ lấy thai. Tuy nhiên nguy cơ sẩy thai cao hơn so với những phụ nữ khỏe mạnh bình thường.

2. Xạ trị ung thư cổ tử cung

Xạ trị sử dụng năng lượng x-quang cao hoặc hạt tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể chỉ định cho tất cả các giai đoạn, bất kể tuổi tác, chiều cao, cân nặng.

Xạ trị bên ngoài

Là dùng tia x-quang với liều bức xạ mạnh chiếu từ bên ngoài cơ thể vào để điều trị bệnh ung thư. Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài một vài phút. Xạ trị ngoài thường được kết hợp đồng thời với hóa trị liệu. Thông thường, sử dụng liều thấp cisplatin. Điều trị bức xạ thực hiện 5 ngày một tuần trong 6-7 tuần thì hoàn thành.

Xạ trị áp sát

Đây là loại xạ trị được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị ung thư cổ tử cung. Sử dụng nguồn bức xạ đặt trong một thiết bị đưa vào âm đạo hoặc cổ tử cung.

3. Hóa trị ung thư cổ tử cung

Hóa trị có thể sử dụng đồng thời với xạ trị. Hóa trị có thể dùng trước phẫu thuật hoặc xạ trị như là liệu pháp kết hợp mới và sau đó phẫu thuật hoặc xạ trị là điều trị kết hợp.

V. Cách phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Cách tốt nhất để tìm ung thư cổ tử cung sớm là sàng lọc thường xuyên với một thử nghiệm PAP (xét nghiệm tế bào học tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung), có thể kết hợp với xét nghiệm virus HPV. Phát hiện sớm cải thiện đáng kể cơ hội điều trị thành công và ngăn ngừa bất kỳ sự thay đổi tế bào cổ tử cung nào sớm trở thành ung thư.

Để dự phòng căn bệnh này, trẻ gái từ 9-26 tuổi (trước khi có quan hệ tình dục) cần tiêm phòng vắc-xin HPV. Đối với phụ nữ trên 21 tuổi cần tập thói quen đi khám sản-phụ khoa định kỳ hằng năm và làm xét nghiệm PAP đồng thời cố gắng tránh tối đa các yếu tố nguy cơ nêu trên và cuối cùng là có một cuộc sống lành mạnh (trong ăn uống, thể thao và quan hệ tình dục).

Bài viết liên quan

Pharmacist Hung

Pathology consultant of Baniphar

Sign up for a free consultation

Please leave your information below, Pharmacist Hung of Baniphar will give you medical advice!