Triệu chứng ung thư tuyến giáp và cách điều trị

Loading

Ung thư tuyến giáp là loại bệnh lý ung thư tiến triển thầm lặng, và được coi là một trong những dạng ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất. Ung thư tuyến giáp chia làm hai nhóm: ung thư tuyến giáp thể biệt hoá và ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá. Trong khi ung thư tuyến giáp thể biệt hoá tiến triển chậm, tiên lượng tốt thì thể không biệt hóa tiến triển nhanh, bệnh nhân thường đến viện khi khối u và hạch đã xâm lấn rộng, không cắt bỏ được, di căn xa sớm và tiên lượng xấu. Qua bài viết này, Dược Bắc Ninh sẽ đề cập đến nguyên nhân ung thư giáp trạng, các thể ung thư giáp, triệu chứng và các phương pháp điều trị K giáp hiện nay.

1. NGUYÊN NHÂN UNG THƯ TUYẾN GIÁP VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Hiện nay chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng trong cơ chế bệnh sinh ung thư

tuyến giáp. Hầu hết các nghiên cứu đều đưa ra các yếu tố nguy cơ cao.

–  Tiền sử người bệnh được chiếu hoặc nhiễm xạ, nhất là trẻ em. Chiếu xạ

– Chế độ ăn thiếu iod làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp đơn thuần và ung thư tuyến giáp.

– Tiền sử mắc các bệnh tuyến giáp mạn tính: viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto, viêm tuyến giáp bán cấp…

– Đối với ung thư tuyến giáp thể tủy: có tính chất gia đình và di truyền. Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy thường nằm trong bệnh cảnh đa u nội tiết.

– Yếu tố di truyền: đột biến về gen sinh u và gen ức chế sinh u. Đột biến gen p53 làm bất hoạt gen này. Gia tăng biểu lộ gen sinh u: RET, RAS. MET.

– Người sống vùng biển tỷ lệ bướu nhân giáp là ung thư cao hơn hoặc người có tiền sử Basedow khi có u đặc thì khả năng khối u là ung thư cao.

2. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Triệu chứng thường nghèo nàn, bệnh nhân thường nhìn thấy hoặc sờ thấy khối u vùng cổ hoặc phát hiện tình cờ qua siêu âm tuyến giáp. Cũng có khi sờ thấy hạch cổ hoặc di căn xa trước khi sờ thấy u tuyến giáp.

2.1 Triệu chứng cơ năng K giáp

Ở giai đoạn sớm ít gặp các triệu chứng cơ năng. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn hoặc khối u xâm lấn có thể xuất hiện triệu chứng sau

– Chèn ép, xâm lấn dây thần kinh quặt ngược gây nói khàn. Đây là đặc điểm gợi ý khối u giáp là ung thư vì khối u lành tính hiếm khi gây khàn tiếng.

– Chèn ép thực quản gây nuốt khó.

– Xâm lấn vào khí quản gây khó thở.

2.2. Triệu chứng thực thể K giáp

– Khối u và hạch cổ lớn có thể nhìn thấy gồ trên da. Rất hiếm gặp khối u và hạch cổ tuyến giáp vỡ vỏ xâm lấn ra ngoài da.

– Thông thường các khối ung thư tuyến giáp thường biểu hiện 1 khối đơn độc ở 1 thùy hơn là ung thư đa ổ hoặc ung thư cả 2 thùy. Khối ung thư tuyến giáp thường cứng. Khi kích thước còn nhỏ thường di động nhưng khi kích thước lớn và xâm lấn thì ít di động. U tuyến giáp thường di động theo nhịp nuốt.

– Hạch cổ: thường di căn chuỗi hạch cảnh, hạch trước khí quản, hạch chuỗi quặt ngược. Các hạch cổ nhóm khác cũng có thể gặp nhưng với tỷ lệ thấp hơn. Thông thường hay gặp hạch cổ 1 bên hơn là 2 bên. Hạch thường cứng, di động khi chưa xâm lấn, hạn chế di động khi hạch to và xâm lấn.

2.3. Triệu chứng di căn K giáp

– Hay gặp nhất là xương và phổi.

– Di căn xương với tính chất tiêu hủy gây ra đau xương hoặc gãy xương tự nhiên; ở cột sống sẽ gãy lún đốt sống, có khi ép tủy.

– Di căn phổi thường âm thầm, kiểu hạt kê nhiều hơn là dạng nốt lớn hoặc nhỏ.

– Di căn não, gan, buồng trứng ít gặp hơn, hầu như chỉ gặp ở loại ung thư biểu mô tủy giáp trạng.

3. CHẨN ĐOÁN UNG THƯ TUYẾN GIÁP

3.1.Chẩn đoán mô bệnh học.

Trong thực hành lâm sàng thường chia làm 4 loại sau: Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang, ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy, ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hóa.

– Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa: chiếm khoảng 90% gồm thể nhú và nang  hoặc kết hợp cả nhú và nang.

– Ung thư tuyến giáp thể tủy: chiếm khoảng 1-5%.

– Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: khoảng 5%.

3.2 Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm giáp hiện là phương tiện chẩn đoán hình ảnh khá chuẩn để chẩn đoán bệnh tuyến giáp. Phương tiện này an toàn, không độc hại, kinh tế và rất hiệu quả để đánh giá cấu trúc tuyến giáp. Ngoài ra siêu âm có thể đánh giá chính xác kích thước, vị trí của nhân giáp và phát hiện các nhân giáp không sờ thấy trên lâm sàng. Siêu âm ngày càng được sử dụng nhiều để hướng dẫn chọc hút tế bào nhân giáp bằng kim nhỏ (FNA: Fine Needle Aspiration).

Các dấu hiệu của một nhân giáp ác tính nghi ngờ trên siêu âm bao gồm tăng sinh mạch máu ở trung tâm, u giáp giảm hồi âm, bờ không đều, vôi hoá bên trong.

3.3 Xạ hình tuyến giáp với I123 hoặc Tc99m

Xạ hình tuyến giáp dùng để đánh giá sự hấp thu iod của các nhân giáp. Các nhân nóng (thu nhận iod phóng xạ) ít có nguy cơ ác tính hơn nhân lạnh (không nhận iod phóng xạ). Hình ảnh nhân lạnh trên xạ hình tuyến giáp nghi ngờ ung thư cho tới khi tìm được bằng chứng ngược lại. Nhân đẳng xạ hiếm gặp ung thư giáp. Trường hợp bướu giáp nhiều nhân có từ trước bị thoái hóa ác tính thì rất khó chẩn đoán. Nhân lạnh đơn độc chỉ có từ 10 – 20% là ung thư.

Hạn chế của phương pháp: độc hại phóng xạ, không kinh tế và nhất là độ ly giải hình ảnh kém chủ yếu hai bình diện. Ngày nay ung thư giáp thường được chẩn đoán bằng FNA và xạ hình tuyến giáp hiếm khi cần trong đánh giá thường quy nhân giáp.

3.4 Chụp cắt lớp điện toán và chụp cộng hưởng từ tuyến giáp

Chụp cắt lớp điện toán (computerized tomography – CT) và chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging – MRI) tuyến giáp là phương tiện để đánh giá sự lan rộng ung thư tuyến giáp vào cấu trúc lân cận và di căn hạch. CT có cản quang iod cho thấy hình ảnh chi tiết tuyến giáp và đánh giá di căn hạch tốt hơn MRI, CT cũng ít tốn kém hơn MRI.

Hạn chế của CT có cản quang iod là ngăn cản khả năng hấp thu iod trên xạ hình sau đó và có thể gây độc giáp trạng trong trường hợp sử dụng chất cản quang iod liều cao và ở người bệnh có cường giáp tiềm ẩn. MRI có ưu điểm là không dùng chất cản quang iod, không độc hại phóng xạ và có thể cho thấy rõ tuyến giáp và cấu trúc lân cận.

3.5 Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (fine needle aspiration hay FNA) là phương tiện được lựa chọn hàng đầu để đánh giá u giáp. Phương tiện này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trên 90%. Chọc hút tại u giáp hoặc tại hạch qua hướng dẫn của siêu âm nếu khối u nhỏ hoặc làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tổ chức u giáp ngay khi phẫu thuật để khẳng định chẩn đoán, phân loại và nhất là định hướng cho việc xử trí tích cực ban đầu.

3.6 X-quang

Vùng cổ với các tia mềm có thể thấy các nốt calci hóa nhỏ, nhất là trong ung thư dạng nhú. Những nốt calci hóa lớn liên quan đến tái cấu trúc, đặc biệt là các di chứng do xuất huyết cũ và có thể gặp trong các bệnh lành tính, nhưng không nhất thiết. X quang cũng có thể giúp phát hiện sự chèn ép hoặc di lệch thanh khí quản.

X quang phổi và CT phổi để tìm các di căn, hoặc tìm xem có khối u phát triển xuống lồng ngực gây chèn ép hoặc di lệch khí quản hoặc di căn hạch trong lồng ngực.

4. ĐIỀU TRỊ UNG THƯ GIÁP

4.1. Ngoại khoa

Là phương pháp được chọn đầu tiên, tùy tổn thương khu trú hay lan rộng người ta có thể:

  • Cắt bỏ hoàn toàn một thùy cùng với phần eo.
  • Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
  • Cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, bóc các bạch huyết ở một bên hay cả hai bên cổ.

4.2. Xạ trị

– Trong ung thư tuyến giáp biệt hóa chỉ định xạ trị ít được chỉ định bởi tế bào ung thư ít nhạy cảm với tia xạ. Xạ trị được chỉ định cho những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật hoặc di căn xa tại những vị trí tổn thương không cắt bỏ được và nhu mô giáp còn khả năng cố định được iod phóng xạ chỉ định I 131.

– Trong ung thư tuyến giáp thể tủy và thể không biệt hóa xạ trị sau phẫu thuật là chỉ định bắt buộc để kiểm soát tái phát tại chỗ và hệ thống hạch.

4.3. Hóa trị

Thường chỉ định trong ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Có thể hóa chất đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị. Hóa chất thường dùng là Doxorubicin, Doxorubicin + Cisplatin, Paclitaxel.

4.4. Liệu pháp hormon thay thế

Dù phẫu thuật cắt toàn bộ hay một phần tuyến giáp, có hay không phối hợp iod phóng xạ sau phẫu thuật, sử dụng L.thyroxin cũng cần được chỉ định. Liệu pháp thyroxin nhằm hai mục đích:

Bù sự thiếu hụt hormon giáp sau khi cắt bỏ tuyến giáp.
Ức chế sự tiết TSH để đề phòng các tế bào ung thư còn sót khỏi bị kích thích. Liều L.thyroxin trung bình 100 đến 200 g/ngày nhằm đạt được nồng độ TSH ở giới hạn dưới của mức bình thường (0,4U/mL).

5. TIÊN LƯỢNG SỐNG BỆNH UNG THƯ TUYẾN GIÁP

– Thể nhú sống sau 10 năm: 74 – 93%.

– Thể nang sống sau 10 năm: 43 – 90%.

– Thể tủy sống sau 5 năm: 40%.

– Thể không biệt hóa sau 5 năm: dưới 5%.

Bài viết liên quan

Dược Sĩ

Chuyên gia tư vấn bệnh lý Baniphar

Đăng ký tư vấn miễn phí

Vui lòng để lại thông tin bên dưới, Dược Sĩ của Baniphar sẽ tư vấn bệnh lý cùng bạn !